VietstockVietstock

Lý do TCM đóng cửa xưởng may công suất 5 triệu sản phẩm ở Tây Ninh

Trong bối cảnh đơn hàng hồi phục và hoàn thành xong thương vụ M&A chiến lược, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công TCM chính thức "khai tử" nhà máy may quy mô 1ha tại KCN Trảng Bàng, Tây Ninh do năng suất hoạt động không hiệu quả.

Ngày 19/06, HĐQT Dệt may Thành Công thông qua việc chấm dứt hoạt động của Xưởng may Trảng Bàng tại địa chỉ đường số 08, KCN Trảng Bàng, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Đây là động thái mới nhất của TCM sau thông báo tạm ngưng hoạt động Xưởng may Trảng Bàng trong 12 tháng kể từ ngày 15/04/2024.

Trước đó, vào tháng 10/2018, Dệt may Thành Công nhận chuyển nhượng dự án Xưởng may Trảng Bàng tại KCN Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh của Công ty TNHH E.Land Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả quản lý sản xuất và gia tăng năng lực sản phẩm may.

Vietstock
Hình ảnh tại buỗi lễ khánh thành nhà máy may Trảng Bàng. Nguồn: TCM

Thời điểm đi vào hoạt động, nhà máy có 650 công nhân và 17 chuyền đang sản xuất; sau đó được mở rộng sản xuất tới 27 chuyền, khoảng 1,050 lao động, công suất khoảng 5 triệu sản phẩm/năm.

“Nhà máy may tại KCN Trảng Bàng, Tây Ninh (quy mô 1ha) có năng suất hoạt động không hiệu quả”, ông Trần Như Tùng - Chủ tịch TCM phân trần và cho biết việc chuyển nhượng nhằm cơ cấu lại danh mục nhà máy, tận dụng nguồn vốn phục vụ M&A với Công ty TNHH Dệt may SY Vina.

Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc TCM Song Jae Ho tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, quyết định mua lại nhà máy SY Vina nhằm mục đích chính lấy giấy phép ngành nhuộm cũng như mở rộng các dòng sản phẩm vải dệt để phục vụ các đơn hàng sản phẩm may có giá trị cao. Đây cũng là giải pháp tối ưu hóa bài toán đầu tư của Công ty trong dài hạn.

Ngoài ra, TCM cũng cần chuẩn bị cho việc di dời nhà máy tại quận Tân Phú sau khi TPHCM có chủ trương di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi nội thành để thực hiện các dự án dân cư và phức hợp theo quy hoạch. Hơn cả, vị trí nhà máy SY Vina thuận tiện cho giao thông và vận chuyển logistics, giúp Công ty tối ưu hóa chi phí.

Về tình hình kinh doanh, 5 tháng đầu năm 2024, TCM đạt doanh thu hơn 64 triệu USD (1,630 tỷ đồng) và lãi sau thuế hơn 4.7 triệu USD (120 tỷ đồng), lần lượt tăng 112% và 110% so với cùng kỳ; thực hiện được 41% chỉ tiêu doanh thu và 69% mục tiêu lợi nhuận năm.

Kết quả kinh doanh của TCM phục hồi theo xu hướng thị trường và ngành dệt may đang đón những tín hiệu tích cực. Hiện, Công ty đã nhận được khoảng 88% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý 2/2024 và khoảng 83% cho quý 3.

Từ đầu năm, Dệt may Thành Công cũng đã ký với đối tác chiến lược Tập đoàn E-Land (Hàn Quốc) đơn hàng 10 triệu sản phẩm, gấp đôi năm trước.

Từ giữa tháng 4 đến nay, giá cổ phiếu TCM đã tăng hơn 40% và chạm đỉnh hơn 2 năm qua ở mức 52,100 đồng/cp trong phiên 19/06, đi kèm thanh khoản bình quân tăng mạnh lên trên 2.5 triệu cp/ngày, so với bình quân từ đầu năm là 1.5 triệu cp/ngày. Sau đó, thị giá TCM giảm dần và đóng cửa phiên 25/06 tại mức 48,400 đồng/cp, vẫn tăng hơn 30% từ đầu năm.

Diễn biến giá cổ phiếu TCM từ đầu năm

Thế Mạnh

FILI