Phân tích dữ liệu và thông tin hot:
Kỳ vọng về việc các Ngân hàng trung ương (NHTW) lớn trên thế giới sẽ “đảo chiều” chính sách cũng như nhiều lần NHTW Nhật Bản - BOJ lên tiếng bảo vệ đồng yên đã từng giúp đồng tiền này có những đợt hồi phục rất tốt vào quý 1 năm nay. Thế nhưng, những người nắm giữ đồng yên đến nay chỉ nhận về thất vọng khi BOJ chỉ “nói chứ không làm”.
Thêm vào đó, khả năng Cục dữ trữ liên bang Mỹ - Fed sẽ còn giữ lãi suất cao trong thời gian dài đã khiến tỷ giá đồng yên Nhật so với đồng USD đang rơi xuống mức thấp nhất trong 34 năm qua. Thống kê cho thấy đồng yên đang bị bán khống mạnh nhất trong vòng 27 năm trở lại đây.
Nền kinh tế Mỹ một lần nữa đẩy khoảng cách giữa đồng Bạc xanh và yên Nhật ra xa hơn nữa sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo doanh thu bán lẻ tốt hơn dự báo giúp đồng đô la Mỹ tiếp tục bay cao.
Dù vậy, các nhà giao dịch đang thận trọng với khả năng BOJ sẽ có hành động can thiệp “thật sự” sau nhiều lần “hù dọa” không còn tác dụng với những người bán khống đồng yên. Uỷ ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) cho biết vị thế bán khống đồng yên của các nhà đầu cơ này đang lớn nhất kể từ tháng 6/2007.
Phân tích biểu đồ USDJPY khung thời gian D1
Mức kháng cự 152 đã bị vượt qua không mấy khó khăn và giờ đây tỷ giá USDJPY đã lên chạm mức cao nhất kể từ năm 1990. Vùng cản tiếp theo được đánh giá là tiềm năng nhất trong trung hạn sắp tới sẽ là mốc kháng cự tâm lý 155.
Trendline tăng nhỏ (nét đứt) cũng đang thể hiện một áp lực tăng lớn hơn với độ dốc cao hơn so với trendline lớn. Đồng nghĩa với tốc độ leo dốc ngày càng cao hơn, điều này cho thấy sự tích cực của các vị thế mua cặp tiền này.
Tuy nhiên, nó ngày càng làm tăng thêm khả năng chính quyền Nhật Bản sẽ can thiệp trong tương lai không xa để giảm bớt đà bán tháo “khủng” hiện tại. Vì vậy nên khối lượng giao dịch cũng cho thấy sự suy yếu đáng kể trong quá trình đi lên, thể hiện sự chùn bước của phe mua. Từ đây, những người bán khống cặp tiền này có thể đang bắt đầu tập trung hơn và chờ đợi cơ hội sắp tới ở các mốc 155 hoặc 156.