Điểm lại các thông tin cơ bản tác động đến xu hướng đồng USD trong thời gian vừa qua. Vẫn là các số liệu cơ bản được Fed quan tâm trong đó thước đo lạm phát ưa thích: chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCEPI lõi chỉ tăng 0,2% so với tháng 11 và 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Thể hiện được lạm phát về cơ bản đang giảm và đi đúng hướng của Fed, mặc dù vẫn còn cách tương đối xa mục tiêu 2% đặt ra nhưng là một tín hiệu tích cực thể hiện các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ đã phát huy được hiệu quả.
Trong khi đó mối lo của thị trường nằm ở vấn đề lo ngại suy thoái kinh tế trong quá trình thắt chặt chính sách kéo dài đang giảm xuống sau số liệu GDP quý 4 vừa rồi.
Bộ Thương mại Mỹ hôm 25/1 công bố GDP nước này tăng 3,3% trong quý IV/2023 (đã hiệu chỉnh theo cơ sở năm). Tốc độ này cao hơn dự báo, nhờ tiêu dùng mạnh.
Theo CNBC, chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Trong quý 4/2023, tổng chi tiêu tiêu dùng cá nhân đã tăng 2.8%, thấp hơn đôi chút so với quý trước.
Một yếu tố khác là các khoản chi của Chính quyền tiểu bang và địa phương đã tăng 3.7% trong quý 4, trong khi chi tiêu Chính phủ liên bang tăng 2.7%. Tổng đầu tư tư nhân cũng tăng 2.1%, đóng góp lớn cho quý tăng trưởng mạnh này.
Dưới góc độ lạm phát, trong quý 4/2023, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 1.7% so với quý trước, còn PCE lõi – loại trừ năng lượng và thực phẩm – tăng 2%.
Còn nếu so với cùng kỳ, PCE quý 4/2023 tăng 2.7%, thấp hơn so với mức 5.7% của năm trước. Còn PCE lõi tăng 3.2% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức 5.1% ở quý trước. Trong đó, PCE lõi là thước đo lạm phát yêu thích của Fed.
Trong một công bố khác, tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã lên tới 214,000 đơn, tăng 25,000 so với tuần trước, và cao hơn so với dự báo (199,000 đơn).
Bước sang 2024, các chuyên gia không còn cho rằng kinh tế Mỹ suy thoái và thị trường dự báo Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất, trong khi lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại về những thách thức phía trước.
Đầu tiên là những lo lắng xoay quanh độ trễ của chính sách tiền tệ, đặc biệt là sau 11 lần tăng lãi suất với 5.25 điểm phần trăm mà Fed đã thực hiện từ tháng 03/2022 – 07/2023. Thông thường, sẽ mất khoảng 2 năm để một chính sách thắt chặt như vậy tác động hoàn toàn tới hệ thống.
Một số khác thì ngần ngại về khả năng chịu đựng của người tiêu dùng, liệu họ có thể chi tiêu đến bao giờ khi tiền tiết kiệm giảm dần và gánh nặng nợ lãi chồng chất.
Thứ 3, là bản chất của GDP tăng trưởng tốt năm qua có đóng góp lớn do Chính phủ đẩy mạnh chi tiêu. Tổng IOU (vay nợ) của Chính phủ đã lên tới 34 ngàn tỷ USD và đang tiếp tục tăng. Thâm hụt ngân sách đã lên tới hơn 500 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm tài khoá 2024.
Bên canh đó là các lo lắng liên quan đến chính trị khi nước Mỹ sắp bước vào kỳ bầu cử Tổng thống, cùng các rủi ro địa chính trị với xung đột tại Trung Đông và cuộc chiến Nga – Ukraine.
Đánh giá,
Thị trường hiện đã không còn lo ngại suy thoái kinh tế nữa, thay vào đó tâm lý thị trường có phần tích cực hơn về viễn cảnh hạ cánh mềm hiện tại, đồng nghĩa với Fed đủ tự tin để giữ lãi suất cao hiện tại thêm nửa năm nữa. Động thái này sẽ giúp kiểm soát được lạm phát mà không gây ra các rủi ro lớn hơn cho nền kinh tế.
Hiện tại khu vực Eurozone, Anh đang cho thấy động thái giữ nguyên lãi suất khi tình hình lạm phát chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Quan điểm chính sách đồng thuận giữa các ngân hàng trung ương hiện tại đang khiến cho các cặp tỷ giá so với đồng USD trở nên khó dự báo hơn.
Do đó xu hướng đồng USD hiện cũng tương đối nhạy cảm, chỉ số USD index đã đi ngang trong một thời gian tương đối lâu cho thấy được không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà các tổ chức cũng đang thể hiện quan điểm thận trọng, cho đến khi có sự phân kỳ về chính sách tiền tệ thì xu hướng sẽ có thể chưa rõ ràng.
Đồng nghĩa với xu hướng đồng USD so với các đồng tiền chính hiện tại sẽ không chắc chắn và vẫn sẽ duy tri biên độ đi ngang.
Nhận định giá Vàng,
Giá vàng đã tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (29/1) khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn, trong khi các thị trường chờ đợi quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào thứ Tư (31/1) để có thêm manh mối về thời điểm hạ lãi suất đầu tiên trong năm nay.
Giá XAUUSD đã tăng nhẹ vào phiên hôm qua nhưng về phân tích kỹ thuật vẫn đang ở trong biên độ tích lũy đi ngang dài hạn từ vùng 2022 – 2037, giá vẫn đang trong thời gian hình thành mô hình tích lũy và có thể với diễn biến này giá sẽ chưa biến động mạnh do tâm lý thận trọng chờ đợi cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed trong thứ 5.
Xu hướng ngắn hạn có thể giá sẽ tăng nhưng chưa xác nhận phá vỡ vùng 2037 /oz thì các chiến lược giao dịch sẽ tương đối rủi ro và khó lường hơn.
Tương quan so sánh với chỉ số Dollar index cho thấy được xu hướng đi ngang của USD và Vàng đang tương đồng nhau, do đó sẽ có thể cần thêm tín hiệu để xác nhận.
Quan điểm nhận định:
Tạm thời để chắc chắn hơn giá Vàng sẽ cần phá vỡ các mốc hỗ trợ hoặc kháng cự trên đồ thị mới xác nhận xu hướng rõ ràng.
Có thể giao dịch trong biên độ 2022 – 2037 /oz trong hôm nay. Nếu có tín hiệu giảm từ kháng cự 2037 /oz có thể thực hiện chiến lược bán xuống.
Thông tin và ấn phẩm không có nghĩa là và không cấu thành, tài chính, đầu tư, kinh doanh, hoặc các loại lời khuyên hoặc khuyến nghị khác được cung cấp hoặc xác nhận bởi TradingView. Đọc thêm trong Điều khoản sử dụng.