Tin tức thị trường
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng như châu Âu hồi phục mạnh trong ngày 28/9 sau khi Ngân hàng Trung ương Anh tuyên bố sẽ mua trái phiếu và bơm tiền để ổn định thị trường tài chính, ngược hoàn toàn với chính sách thắt chặt tiền tệ mà nhiều NHTW đang thực hiện.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 549 điểm, tương đương 1,88%, lên xấp xỉ 29.684 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,97% lên 3.719 điểm. Chỉ số nặng về công nghệ Nasdaq Composite đi lên mạnh nhất khi có thêm 2,05%, đóng cửa phiên 28/9 ở gần 11.052 điểm.
Đây là phiên tăng đầu tiên của Dow Jones và S&P 500 sau chuỗi 6 ngày đỏ lửa liên tục, như thể hiện trong biểu đồ dưới. Trong 6 ngày trước, Dow Jones đã mất tổng cộng 1.885 điểm và thủng mốc 30.000, S&P 500 cũng có lúc xuống dưới ngưỡng 3.700.
Ngày 28/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thông báo sẽ tạm thời mua các trái phiếu kỳ hạn dài do chính phủ Anh phát hành nhằm chặn đà suy giảm của đồng bảng (GBP). Giá trị của GBP tăng khoảng 1,4% lên mức 1,0881 USD.
Những ngày gần đây, đồng bảng Anh thu hút sự chú ý của thị trường tài chính quốc tế khi giá trị GBP giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD, báo hiệu nhiều vấn đề kinh tế với đảo quốc sương mù cũng như thách thức chính trị với tân Thủ tướng Liz Truss.
Động thái mua trái phiếu được BoE thông báo chỉ ít ngày sau khi ngân hàng trung ương (NHTW) này tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) để ghìm cương lạm phát đang ở quanh 10%. Nói cách khác, BoE đã đảo ngược chính sách từ thắt chặt sang hơi hướng nới lỏng khi thị trường tài chính gửi đi tín hiệu xấu.
Tại Mỹ, lợi suất trái phiếu Kho bạc ngày 28/9 giảm từ mức đỉnh 14 năm, làm dịu đi lo ngại về nguy cơ mặt bằng lãi suất quá cao sẽ bóp nghẹt nền kinh tế.
Cụ thể, lợi suất 10 năm dừng ở 3,759% dù trong phiên đã có lúc vọt lên trên 4% - mức cao nhất kể từ năm 2008. Theo CNBC, 28/9 là phiên giảm mạnh nhất của lợi suất 10 năm kể từ cuối 2020. Biểu đồ dưới đây cho thấy diễn biến của lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 và 10 năm trong 9 tháng qua.
Ngày 28/9, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết thể chế tài chính này trong hai cuộc họp vào tháng 10 và tháng 12 tới, cần tăng lãi suất mỗi lần thêm 75 điểm cơ bản để kiềm chế lạm phát.
Các thị trường dự báo ECB sẽ tăng 0,75 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi, lên tới 2% vào cuối năm nay và lên tới khoảng 3% vào mùa Xuân năm 2023. Dự báo, lạm phát trong EU sẽ vẫn ở mức cao hơn so với mục tiêu lãi suất mà ECB đề ra cho đến năm 2024 là 2%.
Theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, ngân hàng sẽ tăng thêm lãi suất ở mức "trung lập," tức là không kích thích cũng như không làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Lagarde nêu rõ: "Chúng ta phải trở về mức lạm phát 2% trong trung hạn, chúng ta sẽ làm những gì phải làm, tức là sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong vài cuộc họp tới."
Trong hai cuộc họp trước, ECB đã tăng lãi suất thêm tổng cộng 125 điểm cơ bản, tốc độ siết chặt chính sách tiền tệ mạnh nhất. Tuy nhiên, lạm phát trong khu vực này sẽ phải mất hàng tháng mới giảm từ mức đỉnh hiện nay. Điều này cho thấy khả năng ECB sẽ phải siết chặt chính sách tiền tệ hơn.
Góc nhìn Liên thị trường
Xu hướng điều chỉnh giảm của USD và Lợi suất trái phiếu đang cho thấy tâm lý thị trường hiện tại đang chững lại, có thể tác động từ việc tăng lãi suất sẽ không còn mạnh mà giới đầu tư sẽ chờ đợi theo dõi thêm từ diễn biến các số liệu trong tháng 10 bởi đây sẽ là thông tin cụ thể để đánh giá tác động của việc tăng lãi suất.
Dự báo Vàng hôm nay có thể giảm lại ngưỡng 1640, tuy nhiên đà tăng vẫn có thể tiếp diễn.