Vàng đang mất dần sức hấp dẫn tại Trung Quốc

Người mua sắm và nhà đầu tư Trung Quốc đang mất dần hứng thú với vàng trong năm nay. Đồng thời, các nhà kinh tế cũng không kì vọng tình trạng này sẽ cải thiện trong năm 2020 do kinh tế nội địa chững lại và giá hàng hóa tăng cao khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu.

Theo công ty tư vấn Metals Focus, mức tiêu thụ trang sức tại Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm 4% xuống còn 660 tấn năm 2019, trong khi vàng dành cho nhu cầu đầu tư được cho là sẽ giảm hơn 20% xuống còn 240 tấn.

Kinh tế nội địa giảm tốc và lo ngại xoay quanh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã gây ảnh hưởng đến tâm lí người tiêu dùng, đồng thời giá hàng hóa tăng cao cũng đang khiến nhà đầu tư né kim loại quí, ông Nikos Kavalis, Giám đốc Metals Focus (London), cho hay.

Ông Kavalis kì vọng nhu cầu vàng sẽ ổn định trở lại trong năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, đang chững lại, theo Bloomberg. Các chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ rơi vào khoảng 6 - 6,5%, mức thấp nhất từng ghi nhận.

Trước đó, ngày 15/7, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố số liệu cho thấy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia châu Á trong quí II/2019 đạt 6,2%, mức thấp nhất kể từ khi Bắc Kinh công bố dữ liệu năm 1992.

"Điều kiện kinh tế ở Trung Quốc đang gây ra biến động và khiến hoạt động tiêu thụ vàng gặp áp lực", ông Kavalis nói. Chiến tranh thương mại kéo dài và giá thực phẩm tăng vọt đã làm giảm chi tiêu hộ gia đình đối với nhóm sản phẩm không bắt buộc như vàng và đá quí.

Các dấu hiệu tích cực trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy thị trường chứng khoán và trái phiếu chính phủ Mỹ đi lên, mặc dù tâm lí nhà đầu tư còn bị hạn chế vì nhiều người lên tiếng hoài nghi về thỏa thuận giai đoạn một giữa hai nền kinh tế.

Một yếu tố khác làm tổn thương nhu cầu mua vàng là đồng nhân dân tệ yếu.

Mặc dù người tiêu dùng Trung Quốc né tránh mua vàng, các nhà đầu tư trên thế giới lại đang đổ dồn vào vàng thỏi.

Điều đó đã kéo giá vàng giao ngay trong năm nay lên 16% sau khi đạt mức giá 1.557 USD/ounce (mức cao nhất trong 6 năm) hồi tháng trước.

"Năm 2017 và 2018, nhu cầu vàng đi lên sau khi nhà đầu tư khôn ngoan thu mua vàng để làm tài sản đảm bảo chống lại sự mất giá của đồng nhân dân tệ", ông Kavalis cho hay.

"Sau khi giá vàng tăng lên trong mùa hè năm nay, nhu cầu vàng dường như đang giảm vì lúc này rất nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại giá vàng có thể tăng quá mức"

Trong một báo cáo quí, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết giá vàng tăng từ tháng 6 khiến nhu cầu trang sức của Trung Quốc chững lại, dẫn đến tình trạng các phòng trưng bày vàng vắng khách vào cuối quí hai.

Tuy nhiên, cơ quan trên cũng nhận định ngành bán lẻ vàng sẽ tiếp tục phát triển vì nhiều thương hiệu lớn đang mở rộng mạng lưới và tiếp cận nhiều khách hàng ở các thành phố cấp thấp hơn.

"Đặc biệt khi nhìn vào thị trường trang sức hiện nay, bạn sẽ nhận thấy mức tăng trưởng vừa phải trong thời gian dài thay vì tăng trưởng vượt bậc như trong quá khứ, khi mọi người đổ xô đi kinh doanh", ông Philip Klapwijk, Giám đốc tại công ty tưu vấn Precious Metals Insights (Hong Kong), nói.

"Tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ trang sức sẽ không giống như trước đây nữa", ông Klapwijk cho biết.

Nhập khẩu vàng của Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong năm 2019 do nhiều nhà đầu tư trong nước sẽ tung ra khối lượng vàng mà họ đã mua năm 2012 và 2013 sau khi giá vàng tăng trong năm nay, theo ông Zhang Yongtao, Tổng thư kí Hiệp hội Vàng Trung Quốc.

Ông Zhang nhận định bước đi trên đã thúc đẩy nguồn cung vàng trong nước và giảm nhu cầu nhập khẩu vàng.

Theo dữ liệu trên trang web của hải quan Trung Quốc, so với giai đoạn 2 - 8/2018, nhập khẩu vàng chưa gia công của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm 42% xuống còn khoảng 561 tấn vàng trong cùng kì năm nay.
Trend Analysis

Ngoài ra, trên:

Bài đăng liên quan

Thông báo miễn trừ trách nhiệm