JL_NPT

TRADING GOLD: WEEKLY 02/08 - 05/08/2022

FX:XAUUSD   Vàng / Đô la Mỹ
Giá vàng thế giới tuần qua tiếp tục ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ. Cụ thể, giá vàng thế giới mở cửa ở 1724USD/oz sau đó giảm xuống 1711USD/oz và cuối cùng vượt lên bứt phá mạnh mẽ để khép lại một tuần giao dịch ở mức 1766USD/oz tương đương mức tăng 2,4% so với tuần trước. Đây cũng là tuần thứ hai liên tiếp giá vàng thế giới ghi nhận mức giá tăng.

Sở dĩ có sự biến động như vậy là do: Trước sức ép lạm phát ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng thêm 75 điểm phần trăm lãi suất qua đó đẩy lãi suất cho vay qua đếm hiện tại lên mức là 2.25-2.5%. Đây là mức tăng đã được dự đoán từ trước nên hoàn toàn không gây ra được bất ngờ nào cho thị trường. FED cũng cho biết thêm, cơ quan này sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt của mình trong kỳ họp tiếp theo để kiểm soát lạm phát bằng mọi giá tuy nhiên cường độ thắt chặt còn phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế như lạm phát, việc làm, GDP,...

GDP của nền kinh tế Mỹ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng âm với -0.9% so với mức dự báo tăng 0.5% từ các chuyên gia kinh tế. Chúng ta có thể nói nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái nhưng chỉ là trên số liệu, còn thực tế thì thị trường việc làm của Mỹ vẫn đang rất mạnh, chưa có tình trạng hoảng loạn trên thị trường tài chính hay sự phá sản hàng loạt của doanh nghiệp nên chúng ta vẫn có cơ sở cho 1 cú “hạ cánh mềm” trong nền kinh tế. Và với dấu hiệu suy thoái về mặt số liệu thì sẽ khiến FED bớt quyết liệt hơn trong những lần tăng lãi suất ở cuộc họp sắp tới.

Bên cạnh đó, thông tin mới nhất được công bố từ Cơ quan Thống kê Châu Âu thì lạm phát tháng 7 của khu vực tiếp tục lập đỉnh với 8.9%. Lạm phát đang là nỗi lo của toàn thế giới: lạm phát ở các nước lớn như Mỹ, Đức, Anh, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan,... đang ở mức cao nhất vài thập kỷ khi giá nguyên liệu, hàng hóa, năng lượng tăng mạnh do gián đoạn chuỗi cung ứng đã làm tăng chi phí nhập khẩu, qua đó đẩy chi phí sinh hoạt của người dân tăng cao cùng với các NHTW đã và đang tăng lãi suất có thể sẽ khiến tình trạng khó khăn càng tăng lên đối với những người đi vay khi phải gánh thêm khoản tăng lên từ chi phí lãi vay. Tuy nhiên, nếu lạm phát không được kiểm soát thì mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều nên chúng ta có quyền hy vọng lạm phát được kiểm soát và mọi thứ sẽ tốt đẹp trở lại trong tương lai gần.

Ngoài ra, thị trường bất động sản Trung Quốc như đang ngồi trên đống lửa khi ngày càng nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu tham gia vào làn sóng từ chối thanh toán các khoản mua nhà hình thành trong tương lai đang xây dựng dở dang, gây ra mối đe dọa nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, có thể lan rộng ra nền kinh tế và sự ổn định xã hội. Trong khi đó, chiến dịch Zero Covid khiến nền kinh tế nước này bị tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đang ở mức cao kỷ lục. Giá nhà đã giảm trong 10 tháng liên tiếp sau khi chính quyền có động thái siết chặt thị trường bất động sản và thu nhập bình quân người lao động cũng giảm trong quý thứ 5 liên tiếp. Điều này khiến nỗi lo cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế của Trung Quốc có thể bắt nguồn từ thị trường bất động sản, do Trung Quốc cũng là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, mức độ hội nhập tương đối sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu nên sức ảnh hưởng có thể lan rộng ra toàn thế giới.

Những bất ổn kinh tế, chính trị trên thế giới vẫn không ngừng gia tăng. Vàng là kênh trú ẩn an toàn được dòng tiền lựa chọn để tránh những cơn bão như thế nhưng trước áp lực tăng lãi suất của NHTW sẽ làm gia tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lợi như vàng. Nên việc phân bổ dòng tiền đòi hỏi chúng ta phải tính toán kỹ lưỡng cũng như xác định khả năng chấp nhận rủi ro của mình là bao nhiêu, qua đó phân bổ tài sản cho hợp lý trong từng trạng thái của nền kinh tế. Trong giai đoạn thị trường thuận lợi, kinh tế phát triển chúng ta có thể chấp nhận rủi ro lớn hơn với mong muốn tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận cao hơn, còn ngược lại, ở giai đoạn bất ổn như hiện nay thì quản trị rủi ro nên được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Sau cơn mưa cầu vòng sẽ xuất hiện và chỉ những ai còn tồn tại thì mới nhìn thấy được cái vẻ đẹp của cầu vòng.

Tuần tới dữ liệu kinh tế về báo cáo việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 của Mỹ cũng được công bố, đây là 1 trong những dữ liệu kinh tế quan trọng mà chúng ta cần theo dõi bởi thị trường việc làm đang rất được FED quan tâm. Nếu thị trường việc làm vẫn hoạt động tốt và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp thì FED sẽ có cơ sở tiếp tục mạnh tay chính sách thắt chặt của mình và ngược lại, tốc độ thắt chặt tiền tệ chậm lại có thể được suy xét.

Góc nhìn PTKT: Hai tuần liên tiếp giá vàng hồi phục rất ấn tượng từ mức giá 1680USD/oz lên mức 1766USD/oz, với việc đóng nến tăng tuyệt đối cho thấy lực cầu vẫn đang duy trì rất tốt trong việc kiểm soát giá nên khả năng giá có thể tiếp tục phục hồi thêm được nữa về vùng 1800USD/oz. Ở khung H4, chỉ báo RSI cũng đã đi vùng quá mua nên chúng ta sẽ hạn chế mua đuổi trong trường hợp này. Vì thế chiến lược giao dịch tham khảo như sau:
SELL: 1800-1805; DỪNG LỖ 1810.

*Lưu ý: Điểm dừng lỗ khá xa nên anh/em cân chỉnh volume cho hợp lý nhá. Vấn đề CHỐT LỜI thì tùy vị thế, cảm thấy đủ thì bỏ tiền vô túi thôi nhá anh/em!. Ngoài ra, anh/em có thể vào khung gian nhỏ hơn để có điểm entry sớm hơn và điểm dừng lỗ ngắn hơn.
*P/s: Plan tuần rồi thị trường lên cũng khá đẹp chứ nhỉ, anh/em có húp được tí nào không?. Cảm ơn anh/em đã like ủng hộ cho post tuần trước nhé. Bản thân cảm thấy vui vì những bài viết của mình nhận được nhiều sự quan tâm của anh/em và đây chính là động lực để tôi tiếp tục con đường chia sẻ những gì bản thân đã được học, tìm hiểu đến với mọi người. Và vẫn như cũ nhé, nếu thấy bài viết bổ ích, anh/em cho tôi xin ít like dạo để cuộc đời thêm đẹp, để những con chữ được viết ra sẽ feeling hơn, hehee!

Chúc Anh/Em cuối tuần an lành và tuần sau chốt lãi đều tay!!! Fighting!




Thông báo miễn trừ trách nhiệm

Thông tin và ấn phẩm không có nghĩa là và không cấu thành, tài chính, đầu tư, kinh doanh, hoặc các loại lời khuyên hoặc khuyến nghị khác được cung cấp hoặc xác nhận bởi TradingView. Đọc thêm trong Điều khoản sử dụng.