NgocHaiPearlie

Tuần 25-29/07 – Tâm điểm Cuộc họp của FED & GDP Q2

OANDA:XAUUSD   Vàng / Đô la Mỹ
TỔNG HỢP TIN TỨC QUỐC TẾ TUẦN 18-23/07/2022
CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ
Ngày 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm qua với mức 50 điểm cơ bản. Theo quyết định trên, lãi suất tiền gửi của ECB đã thoát khỏi khu vực âm lần đầu tiên trong 8 năm, lên mức 0%. Lãi suất đối với các giao dịch tái cấp vốn tăng lên 0,50% và lãi suất cho vay là 0,75%. ECB cho biết các đợt tăng lãi suất trong tương lai “sẽ hợp lý”, trong khi quy mô của các đợt tăng sẽ “tùy vào dữ liệu” kinh tế thời điểm đó. Dự kiến, đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể được đưa ra sớm nhất trong cuộc họp ngày 8/9 tới.
Cuộc khảo sát ý kiến các nhà kinh tế học được Reuters thực hiện cho biết, Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ lựa chọn tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản khác thay vì một động thái lớn nào khác trong cuộc họp tuần tới, nhằm kiểm soát lạm phát đang neo cao do khả năng suy thoái trong năm sau lên tới 40%.
Lạm phát đã chạm mức 9.1% trong tháng 6 – mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ. Điều này đã gây nên áp lực cho FED, vốn mới chỉ tăng lãi suất từ 50 lên 75 điểm cơ bản trong cuộc họp trước, cần hành động mạnh mẽ hơn và nâng mức tăng lên 100 điểm cơ bản.
Cục Dự trữ Liên bang gần đây đã bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán khổng lồ của mình, giải quyết các khoản mua trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ đô la mà họ bắt đầu thực hiện trong nỗ lực sâu rộng để bù đắp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây không phải là lần đầu tiên Fed thực hiện ‘thắt chặt định lượng’. Nhưng lần này thì khác, Ngân hàng trung ương đang thu hẹp bảng cân đối kế toán với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Câu hỏi lớn đối với các thị trường hiện nay là tác động của việc rút thanh khoản này thực sự sẽ như thế nào và liệu những khác biệt về quy mô và thành phần của các hoạt động thị trường gần đây của Fed có làm cho đợt ‘QT’ này khác với các đợt trước hay không?
FED có thể sẽ không tăng 100 điểm cơ bản mà thay vào đó sẽ đẩy nhanh quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán hơn để làm chậm tốc độ tăng lạm phát.

SỐ LIỆU KINH TẾ
Hoạt động kinh doanh của Mỹ lần đầu tiên rơi vào tình trạng thu hẹp trong tháng này kể từ các đợt đóng cửa do Covid-19, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có thể sắp “hạ cánh khó khăn”
Chỉ số PMI tổng hợp đã giảm lần đầu tiên kể từ đợt phong tỏa Covid-19, xuống mức 47.5 vào tháng 7, thấp hơn nhiều so với dự báo 52.1. Một dấu hiệu cho thấy triển vọng đang xấu đi nhanh chóng do áp lực lạm phát gia tăng và nhu cầu hàng hóa, dịch vụ yếu.
Gánh nặng chi phí vẫn tăng lên, nhưng tốc độ tang đã giảm bớt so với mức đỉnh cao của tháng 5, biểu thị rằng lạm phát có thể đã hạ nhiệt. Điều này giúp FED chuyển sang lập trường chính sách tiền tệ ít diều hâu hơn vào cuối năm nay, đặc biệt nếu tăng trưởng tiếp tục xấu đi.
Trung Quốc giảm nợ của Mỹ xuống dưới 1000 tỷ USD lần đầu tiên kể từ 2010. Việc Trung Quốc giảm nợ của Mỹ trong bối cảnh lãi suất tăng lên khiến cho trải phiếu chỉnh phủ Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn. Khi lãi suất trái phiếu tăng lên, giá giảm xuống đồng nghĩa với việc lỗ vốn đối với các nhà đầu tư bán trái phiếu trước kỳ hạn.
Tâm điểm thị trường tuần tới đây thị trường sẽ theo dõi thêm số liệu GDP Quý 2 của Mỹ: Quý 1 tăng trưởng -1.6%. Trong trường hợp GDP Quý 2 tăng trưởng âm sẽ khiến lo ngại suy thoái tăng lên.

ĐỊA CHÍNH TRỊ
Chuyến công du của ông Biden đến Trung Đông đã không đạt được kỳ vọng. Với phát ngôn gần như không đổi từ phía Saudi Arabia: chúng tôi sẽ chỉ tăng sản lượng nếu tồn tại việc thiếu cung, và chúng tôi có kế hoạch tăng công suất tối đa lên 13 triệu thùng/ngày cho tới năm 2027.
Với những phát ngôn trên, thị trường đã đánh giá khả năng cao ông Biden đã thất bại trong việc thuyết phục Arap Arabia tăng sản lượng trong bối cảnh lo ngại nguồn cung từ Nga sẽ gián đoạn và trong giai đoạn kỷ nguyên đối đầu trực tiếp với Nga.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia – ông Mohammed bin Salman đã điện đàm hôm 21-7. Trong cuộc nói chuyện, hai bên đã thảo luận về tình hình thị trường dầu mỏ toàn cầu và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong OPEC+, gồm Tổ chức các nhà sản xuất dầu (OPEC) với các nhà sản xuất dầu lớn ngoài khối, hãng tin Reuters cho hay.
Thông báo của Điện Kremlin viết: “Tình hình thị trường dầu thế giới hiện nay đã được Nga và Saudi Arabia xem xét kỹ lưỡng. Hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong khuôn khổ OPEC+”.
Theo phía Moscow, cả hai nước “luôn hoàn thành các nghĩa vụ nhằm duy trì sự cân bằng và ổn định cần thiết trên thị trường năng lượng toàn cầu”
Washington Post ngày 22/7 cho biết, tại thành phố Istanbul, Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận riêng biệt với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ) về việc mở đường cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua biển Đen; cũng như dỡ bỏ các hạn chế với ngũ cốc và phân bón của Nga.
Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận mang tính bước ngoặt hôm 22-7 nhằm đảm bảo hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Biển Đen và xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trong bối cảnh Mỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Thoả thuận được ký kết giữa lúc giao tranh đang diễn ra dữ dội ở phía Đông Ukraine. Trong một dấu hiệu cho thấy hòa bình vẫn còn xa vời, các đại diện của Nga và Ukraine đã từ chối ngồi cùng bàn và tránh bắt tay tại buổi lễ ký kết thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc ở Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận về những nhận định của Tổng thống Vladimir Putin hồi đầu tuần này rằng Nga và Ukraine lẽ ra có thể chấm dứt xung đột vào tháng 3 nếu Kiev không rút khỏi các cuộc đàm phán, ông Zelensky nói rằng trước khi Nga tấn công Ukraine, ông đã cố gắng trao đổi với Tổng thống Putin trong một thời gian dài nhưng nhà lãnh đạo Nga không bận tâm đến một cuộc điện đàm.
Gói trừng phạt thứ 7 của Liên minh châu ÂuEU nhằm vào Nga chính thức có hiệu lực từ 21/7. “Các biện pháp gia tăng và kéo dài củaEU đối với Điện Kremlin đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Moscow. Chúng tôi sẽ duy trì áp lực cao chừng nào còn cần thiết”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chia sẻ trên Twitter.
Lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga sẽ có hiệu lực vào ngày 10/8, trùng với ngày bắt đầu lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga của EU. Lệnh cấm nhập khẩu dầu sẽ có hiệu lực vào ngày 31/12. Ngoài ra, lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga vào Anh đã được thông báo trước đó có hiệu lực vào ngày 21/7.

=============
Nhận định:
Tâm điểm tuần này chúng ta sẽ theo dõi số liệu GDP Q2 của Mỹ và cuộc họp chính sách tiền tệ của FED.
Đây sẽ là những thông tin tác động nhiều đến tâm lý thị trường, chúng ta sẽ cần theo dõi sát diễn biến thị trường trong tuần này và có thể những tin tức này sẽ tác động nhiều đến tâm lý thị trường trong tháng 8 tới đây.
Vàng có thể sẽ đi ngang và chững lại chờ đợi tin tức này.

Thông báo miễn trừ trách nhiệm

Thông tin và ấn phẩm không có nghĩa là và không cấu thành, tài chính, đầu tư, kinh doanh, hoặc các loại lời khuyên hoặc khuyến nghị khác được cung cấp hoặc xác nhận bởi TradingView. Đọc thêm trong Điều khoản sử dụng.