BachTuyet

Hội chứng đầu tư "đu" theo tin đồn

SKILLING:US100   US100 CFD
Khi có thêm nhiều nhà đầu tư mới, còn ít kinh nghiệm mang theo tiền ùn ùn đổ vào thị trường chứng khoán thì đầu tư theo tin đồn trở thành hội chứng ngày càng lan rộng.
Thị trường ngập trong tin đồn

Từ đầu năm đến nay, không ít lần tin đồn khiến các nhà đầu tư lao đao, trong đó phải kể đến tin đồn về hệ thống của HOSE bị lỗi khiến cổ phiếu lao dốc mạnh. Đó là phiên giao dịch trong tháng 7, khi tin đồn được lan truyền bởi một văn bản giả mạo, được lan truyền qua các hội nhóm đầu tư và gây hiệu ứng tiêu cực về hệ thống của HOSE xảy ra lỗi vào phiên giao dịch ATC (đợt khớp lệnh định kỳ và đóng cửa) đã khiến hàng loạt cổ phiếu “nằm sàn”, VN-Index mất hơn 56 điểm.

Tin đồn phổ biến hơn là đồn để đẩy giá cổ phiếu, chẳng hạn, trường hợp cổ phiếu SJF của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương đã tăng giá gấp đôi, từ 4.000 đồng/cổ phiếu lên 8.000 đồng/cổ phiếu khi xuất hiện thông tin trên các diễn đàn về khả năng Tập đoàn Hòa Phát sẽ thâu tóm công ty này.
Nhưng thực tế, Hòa Phát đã phủ nhận thông tin này. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (HPG) chia sẻ: “Không biết Sao Thái Dương, SJF là công ty nào”.
Ở cấp lãnh đạo công ty thành viên thì cho biết, SJF là một công ty có khả năng cung cấp ván ép gỗ tre cho sản phẩm container của Hòa Phát nếu họ đầu tư thiết bị mới để sản phẩm đạt chất lượng.
Tin đồn về việc thâu tóm này tiếp tục là xúc tác đẩy giá SJF lên gần 12.000 đồng/cổ phần trong tuần trước và Hòa Phát cho biết nhận được nhiều câu hỏi của nhà đầu tư về câu chuyện không có thực này.

Vô vàn những tin đồn về kế hoạch M&A, ký kết hợp tác hay doanh nghiệp sắp công bố con số lợi nhuận đột biến được lan truyền trên các diễn đàn, nhóm hội đầu tư chứng khoán thời gian gần đây. Giá nhiều cổ phiếu theo đó cũng tăng mạnh theo.

Một hiện tượng đáng ngại là, lãnh đạo một số công ty niêm yết có xu hướng “bơm tin” ra thị trường thông qua đội ngũ môi giới của các công ty chứng khoán. Vì thế, tính thật ảo của tin đồn rất khó kiểm chứng sau khi trải qua quá trình truyền miệng, truyền tin qua các hội nhóm.

Mua bán cổ phiếu theo tin đồn đang trở thành hội chứng đáng ngại trên thị trường chứng khoán.
Vì thế, cũng có nhiều tin đồn sau đó thành tin thật, và việc đầu tư theo tin đồn cũng giúp không ít nhà đầu tư ăn lãi bằng lần. Nhưng trong nhiều tình huống, tin đồn chỉ là “tin vịt”, và những ai trót “mua đuổi giá cao” sẽ lãnh hậu quả.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) bình luận, có một số đông nhà đầu tư cá nhân, ưa phong cách lướt sóng, nên ít khi tìm hiểu thông tin một cách bài bản, từ chính doanh nghiệp, mà thích nghe qua kênh truyền miệng.

Việc tin đồn có “đất sống”, dưới góc nhìn của các chuyên gia, xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác quan hệ nhà đầu tư (IR), thường xuyên cập nhật tình hình hoạt động tới cổ đông và giới đầu tư.

“Một thị trường mà doanh nghiệp chưa chịu nhiều sự thúc bách về quan hệ nhà đầu tư, thì hoạt động IR còn bị coi nhẹ là điều dễ hiểu”, ông Tuấn nhận xét về mối quan hệ hai chiều giữa công tác IR của doanh nghiệp và việc nhà đầu tư ưa thích đầu tư theo tin đồn.

Ông Tuấn lấy ví dụ, nhiều doanh nghiệp niêm yết có hàng nghìn cổ đông, song đại hội đồng cổ đông thường niên lại chỉ có vài cổ đông tham dự. Phía doanh nghiệp đã làm đầy đủ mọi thủ tục mời họp, nhưng nhà đầu tư vẫn không đến.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó có cả việc nhà đầu tư cá nhân không quan tâm đến câu chuyện định hướng, chiến lược của công ty.
Và nguyên nhân khác là thời gian chốt hưởng quyền đến thời gian đại hội cách nhau quá xa, có thể lên đến vài tháng, thì nhà đầu tư đã bán hết cổ phiếu trước khi đại hội diễn ra, còn những cổ đông mới lại không thể tham dự vì không có quyền.
Thông báo miễn trừ trách nhiệm

Thông tin và ấn phẩm không có nghĩa là và không cấu thành, tài chính, đầu tư, kinh doanh, hoặc các loại lời khuyên hoặc khuyến nghị khác được cung cấp hoặc xác nhận bởi TradingView. Đọc thêm trong Điều khoản sử dụng.